Ấu thơ trong tôi

Phép màu của bà Chín

Trong xóm chợ, nhà nhỏ Hiếu đối diện nhà tui. Má nó mất sớm, ba đi lấy vợ khác, nó sống với bà ngoại. Hai bà cháu nghèo xơ nuôi nhau. Ở chợ, sạp hàng của bà Chín ai cũng biết. Lâu lâu, có người bán dạo ở đâu tới ké một bên góc sạp, xin bày ké đồ nhựa hay quần áo đổ xôn một buổi, bà Chín vác chổi chà rượt chạy rớt dép. Khách mua trái cây mà lựa lên lựa xuống, trả giá kèo nài, bà Chín cạnh khóe nhức óc. Cũng hệt như ngoại nó, nhỏ Hiếu chưa bao giờ chịu thua ai một li. Nó cân hàng, đếm trái cây, tính tiền nhanh như chớp. Lúc cần, nó cũng chống nạnh cãi, ngoác miệng vã ra trò.

Bỗng dưng tháng trước, nhỏ Hiếu mon men qua gặp má tui, xin phụ rửa chén. Má tui bán canh bún, tiền lời chẳng bao nhiêu, mướn thêm người rửa chén làm gì. Thế nhưng nhỏ Hiếu chắc cú: “Thím cứ mướn con đi. Thím trả bao nhiêu cũng được!”. Má tui cười: “Trả bằng canh bún được không?”. Má tui nói chơi, vậy mà nhỏ Hiếu gật đầu cái rụp: “Dạ, cũng được. Bữa sáng và bữa trưa luôn, được hông thím?”. Vậy là má tui đành phải nhận nhỏ Hiếu qua làm.

Nhỏ Hiếu rửa chén bát sạch bong. Giúp má tui dẹp hàng, mình Hiếu xách cái bàn gỗ hay cái nồi nước lèo vô nhà, nhẹ tưng. Lạ là cái tính hung dữ của nó cũng biến đâu mất tiêu. Mấy lần má tui quạu chuyện gì đó, trách rầy nó. Tưởng con nhỏ sẽ trả treo, ai dè nó im ru.

Chỉ có điều, làm ở nhà tui nhưng hồn vía nhỏ Hiếu vẫn gửi tuốt bên sạp hàng trái cây của bà Chín. Hễ thấy khách tới sạp, là nó buông hết, băng ngay qua bên kia, bán xong mới quay lại. Tới giờ cơm, nó ăn quấy quá mấy miếng, rồi chạy về lo cho ngoại. Má tui ngạc nhiên: “Bà Chín canh hàng được rồi, mắc chi con phải chạy tới chạy lui vậy Hiếu?”. Nó làm như không nghe hỏi, cắm cúi rửa chén tiếp.

Làm việc bên nhà tui chưa đủ, nó còn xin rửa ly chè buổi tối ở hàng chè cốc-tai đầu chợ. Trong chợ đồn rằng Hiếu còn nhỏ mà đã có tính ham tiền. Phải ham tiền lắm thì mới làm việc quên chết như vậy chớ.

Dần dần, người trong xóm chợ nhận ra bà Chín dạo này… hiền hẳn. Bà bớt phần càu nhàu với khách. Mấy đứa nhỏ bán hàng rong bày lềnh khênh móc chìa khóa, mũ nón đổ đống ngay trước sạp trái cây, bà cũng không cự nự như trước. Bà thường ngồi khuất trong nhà, ít ra ngoài. Còn nhỏ Hiếu, nhiều bữa tui bắt gặp nó ngồi thẫn thờ, ngó đâu đâu.

Hôm rồi, má gọi nhỏ Hiếu vô, đưa cho nó tiền công tháng đầu. Nó tròn mắt: “Thím trả tiền cho con thiệt sao?”. Má tui hứ một phát: “Bộ mi tưởng tao chỉ trả công bằng mấy chén bún thôi hả. Nhưng nè, khai thiệt đi, mi kiếm tiền lo chuyện chi?”. Con nhỏ cúi gằm mặt, hai má bỗng ướt nước: “Ngoại con bị mù thiệt rồi. Hồi năm ngoái còn thấy mờ mờ. Bây giờ thì chẳng còn nhìn được chi nữa. Con ráng làm nhiều, để dành tiền, đưa ngoại đi bác sĩ mổ mắt, thím ơi…”

Má tui đi vận động các cô bác trong chợ cùng đóng góp tiền đưa bà Chín đi mổ thủy tinh thể. Nhỏ Hiếu mừng đến nỗi chẳng biết nói gì, cứ vịn tay ngoại nó, rồi mếu. Hôm bà Chín được tháo băng, người trong chợ xô qua thăm. Bà Chín nắm tay từng người, nhắc đi nhắc lại: “Cảm ơn cô bác nhiều. Giống như tui được ban phép màu vậy…”. Má tui cười: “Không, phép màu của bà Chín chính là nhỏ Hiếu đó!”.

Lê Minh Phát