Làm chung đơn vị, bố mẹ cùng đi công tác xa hai năm. Ông nội viết thư “ra lệnh” đưa tôi lên thành phố. Vểnh tai nghe mẹ đọc thư, tôi lăn đùng khóc . Trong học hành, tất cả mọi người lớn nhỏ đều sợ ông một phép, đến nỗi gặp ông chẳng ai dám nói to thở to. Thế mà chính tôi sẽ trở thành “cấp dưới” của ông trong những hai năm liền.
Nhà tập thể ông Nội sống trong khu vực quân đội. Người lạ đến phải trình giấy tờ rồi mới được vượt qua barie. “Đừng sợ, cứ ngoan thì mọi người đều tốt với cháu” – ông nội dặn. Tôi gật đầu. Bỗng ông quát lớn : “ Nghe thấy thì dạ to lên nào!”. Tôi mếu máo “dạ”. Ông sải những bước dài. Tôi líu ríu chạy theo sau, thở gấp không dám ngó nghiêng ngó dọc ngà dù hai bên đường nhỏ, cỏ dại và hoa mọc tràn.
Việc đầu tiên ông làm khi có tôi đến là đóng một cái bàn học nhỏ có ngăn kéo và đèn học. Buổi tối, lúc ông vào bàn làm việc đọc sách và đánh máy thì tôi bày sách vở ra bàn, cặm cụi làm toán, tập viết chữ đẹp. Chuông đồng hồ gõ thong thả báo hiệu 9 giờ khuya, tiếng đánh máy chữ tức khắc im bặt. Dù làm bài chưa xong tôi cũng phải tắt đèn lên giường ngủ để đúng 5 giờ sáng hôm sau, tự gấp chăn màn gọn gẽ xong, tôi sẽ cùng ông chạy ra sân chung tập thể dục.
Trong ánh ban mai, rất đông những người lính già trẻ đánh cầu lông, luyện võ hay tập dưỡng sinh. Chả có đứa trẻ nào trong sân. Ông nội làm gì, tôi răm rắp lặp lại giống y hệt.
Trong một tháng, dưới sự “huấn luyện” của ông nội, từ đứa trẻ yếu ớt, thụ động, hơi chểnh mảng vì quen được chăm sóc nuông chiều, tôi biến thành một cô bé khác – mạnh khỏe, gọn gàng, đúng giờ giấc và biết tự chăm sóc bản thân.
Tất cả mọi điều liên quan đến tôi, dưới sự điều khiển của ông nội, đều trôi chảy, ngoại trừ một việc là làm sao tới trường. Do nhập học giữa chừng, nên tôi phải học ở ngôi trường cách nhà khá xa. Tuần đầu đến lớp, ông nội đi bằng chiếc xe máy tay ga. Đi được một quãng, cái xe cũ kỹ keó lọc xóc rồi tắc tịt. Dù ông ra sức đạp, rồi đẩy, nó vẫn không chịu nổ máy nữa. Ông đành gửi nhờ xe ở một nhà xa lạ và cõng tôi đi bộ. Tôi ngồi trên lưng ôn, kêu lên “ Cho cháu xuống, cháu đi bộ được”. Ông nghiêm giọng “ngồi im. Muộn bây giờ”. Rồi ông rảo bước nhanh vùn vụt, như đi hành quân.
Tuần sau đó ông đưa tôi đi học bằng xe đạp. Cho đến cái hôm trời mưa to, tôi ngồi tùm hum trong cái áo nhựa rộng thùng thình đu đua chân. Đột nhiên, gót chân tôi mặc kẹt vào nan hoa bánh sau, cả hai ông cháu ngã kềnh ra đường. Vừa nhỏm dậy, thấy vết thương nhoe nhoét máu, ông tức tốc bế tôi và trạm ý tế gần đó. Tóc vào áo ông ướt đẫm.
Sau các trục trặc xe cộ, ông ra quyết định tôi sẽ đến trường bà xe to hẳn hoi – xe bus. Ngay buổi đầu tiên đón tôi trong chiếc xe bus đông chật, ông bị đánh cắp ví. Không giận dữ, ông nội chỉ buồn. Trong ví có bức ảnh chụp bà nội khi còn sống và ảnh tôi lúc mới sinh. Tôi rụt rè chạm vào một ngón tay ông. Ông nội nắm cả bàn tay tôi, nhẹ nhàng : “Thôi, không tiếc nữa. Cháu cho ông một tấm ảnh khác nhé!” Và từ khoảnh khắc ấy, cô lính nhỏ của ông nội biết mình là mộ phần trong trái tim ông.
Hoàng Thu Hiền / Hoa Học Trò